Review

[Review] Lan Nhân Bích Nguyệt – Những Con Người Phóng Khoáng

  1. Lan man đôi lời về dòng kiếm hiệp cổ điển

Tuổi thơ tôi gắn liền với những bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, trong đấy phần lớn là các tác phẩm của bác Kim Dung. Đến nay khi đài truyền hình thỉnh thoảng chiếu lại mấy bộ phim đấy lòng tôi vẫn thấy rạo rực lạ. Đôi lúc nhớ lại, hồi nhỏ chị em chúng tôi còn hay chơi trò đóng phim, lôi mùng lôi mền trùm lên người cho ra dáng nữa kia.

Nói là thế nhưng thật ra tôi không đọc nhiều truyện kiếm hiệp cho lắm, vì phần lớn đã xem phim rồi, nên không còn kiên nhẫn lắm để ngồi đọc lại. Với dòng tiểu thuyết kiếm hiệp cổ điển, ngoài bác Kim Dung (mà thú thật là tôi chỉ mới đọc hai cuốn ‘Thư kiếm ân cừu lục’ và ‘Tuyết sơn phi hồ’ của bác), trước đấy tôi có đọc qua những tác giả khác như Cổ Long, Ôn Thụy An… Và nói thật, tôi không thể dung nhập nổi tác phẩm của những tác giả khác, đặc biệt là Cổ Long. Tôi chưa đọc ‘Lục Tiểu Phụng’ hay ‘Sở Lưu Hương’ nổi tiếng của ông, chỉ đọc qua vài quyển nho nhỏ, có lẽ sẽ quá chủ quan để nhận xét, nhưng việc vừa giở sách ra đập vào mắt là cảnh đánh nhau ngay, kiếm pháp chiêu số tóe le quả thật khiến tôi hoa mắt váng đầu. Khi chuyển qua Kim Dung, cảm giác khác hẳn, dồn dập nhưng không vội vàng, hồi hộp nhưng không ức chế, cũng không hề khô khan mà còn chạm đến cảm xúc người đọc, kiếm giấu trong văn.

  1. Những con người trong Lan Nhân Bích Nguyệt

Cũng chẳng nhớ rõ mình làm thế nào tìm ra truyện LN.BN này mà đọc nữa. Nhưng quả thật đã lâu mới lại có một cuốn giang hồ kiếm hiệp khiến tôi say mê đến thế. Có thể nói bối cảnh LN.BN không hoành tráng, cũng có thể nói phần lớn đất diễn là hai anh chị diễn viên chính đóng cửa đấu đá nhau, nhưng nó cuốn hút tôi đến lạ. Có lẽ là sự hấp dẫn của dàn nhân vật cả chính lẫn phụ.

Dàn phụ không nhiều đất diễn, nhưng mỗi lần họ xuất hiện là một lần gây ấn tượng, phải nói mỗi nhân vật dù ác dù thiện tôi vẫn không ghét bỏ được một ai. Cái cảm giác đọc truyện hơi hướm ngôn tình mà thích tất thế này có lẽ đây là cuốn đầu tiên.

Con người trong LN.BN mang lại cho tôi cảm giác ‘phóng khoáng’, không bó buộc, không độc đoán, như Liệt Sí Phong đã nói: “Ngươi có chính kiến của ngươi, ta có chính kiến của ta.” Đúng vậy, mỗi người đều có cách sống, có lựa chọn, có con đường riêng của mình. Có thể con đường của họ đi ngược lại với số đông, nhưng không có nghĩa là họ sai. Có thể chúng ta chê trách họ, nhưng không có nghĩa là chúng ta ép họ phải theo như chúng ta mới là đúng đắn, hay như phủ nhận họ, cô lập họ. Như Mai Hồng Minh, dù chàng chê trách hành động của Liệt Sí Phong, nhưng chàng không phủ nhận tài năng của chàng ta, không ngại mà học hỏi thỉnh giáo chàng ta.

Không bi lụy, biết buông biết bỏ. Hoa Phù Sơ yêu Liệt Sí Phong, truy đuổi chàng ta truy đến tận núi Anh Sơn, tận biển Đông Hải, nhưng khi nhận ra tất cả chỉ là vô vọng, nàng dù buồn nhưng vẫn dứt khoát chặt đứt mối tơ tình ấy. Thu Hoành Ba thích Minh Nhị, nhưng khi nhận ra chàng ta không hề có ý với mình, dù nàng đau nhưng vẫn buông tay. Tất cả không phải vì yêu không sâu, mà vì đó là những con người nhận thức được bản thân, nhận thức được thời cuộc. Cái gì đã không thì sẽ là không.  Tình yêu không phải là tất cả, mỗi người đều là những con người đẹp, cớ chi cứ phải bám mãi sợi dây mà mình biết nó đã đứt, dứt bỏ tình này để đón nhận một tình khác tốt hơn. Chẳng phải cuối cùng mỗi người đều tìm thấy người phù hợp với mình đấy sao?

Kiêu ngạo nhưng không cuồng ngạo, mù quáng. Vũ Văn Phong xuất hiện khá sớm. Ấn tượng đầu tiên chàng ta để lại cho tôi là một con người kiêu căng như chính chàng ta thể hiện. Nhưng tôi lại chẳng hề phản cảm với cái sự kiêu ngạo đó. Chàng ta kiêu nhưng không hợm, tài năng, võ học của chàng không độc tôn võ lâm, khi đối mặt với một Lan Thất thích trêu ghẹo người khác, cái kiêu ngạo của chàng bị vùi dập đến thương. Chàng kiêu với cả em trai mình, nhưng chàng vẫn dốc sức bảo vệ cậu ta khỏi lưỡi đao kẻ thù. Cái chết của chàng khiến tôi buồn, nhưng với chàng mà nói, tôi nghĩ chàng thỏa mãn, bởi lẽ chàng được chết trong vòng tay người mình yêu – dù nàng chẳng hay biết, như một giấc ‘Mộng…’. Minh Nhị cũng kiêu ngạo, nhưng kiêu của chàng ta là kiêu ngầm. Sinh trưởng trong một hoàn cảnh đặc biệt khiến chàng ta cũng rất ‘đặc biệt’. Chàng ta kiêu, nhưng lại khiến người khác cảm thấy gần gũi thân thiện. Với tài năng và gia thế của mình, chàng ta dư sức thỏa mãn cái kiêu của mình, nhưng tận cùng cái kiêu ấy là chẳng ai mảy may cảm thấy. Nói tóm lại, dù có kiêu, nhưng mỗi người vẫn biết mức độ của mình, không kiêu đến mức mắt điếc tai đui cứ cho ta luôn đúng, ta là nhất.

Không bó buộc. Như Phong Di Bạch đã nói: “… võ lâm chi chủ tất là người mà toàn võ lâm đều công nhận, nếu vậy chỉ cần một chiếc lá hắn cũng có thể dùng làm lệnh, cũng có thể khiến thiên hạ cúi đầu…”, “…‘Lan Nhân Bích Nguyệt’ xưa kia là tín vật của Bạch Phong Hắc Tức, nhưng không có nghĩa là mỗi đời đều phải dùng nó để làm lệnh, mỗi một lệnh chủ nên có một tín vật của mình…”. Đúng thế, không có một quy tắc nào có thể ràng buộc con người được, bởi tất cả quy tắc đều là do con người đặt ra. Quy tắc chỉ mang tính thời điểm, đừng cứng nhắc trói buộc một quy tắc vào mọi hoàn cảnh. Con người đừng tự trói mình.

Không cố chấp. Đông Hải có mối thù truyền kiếp với tiền triều, Hoàng triều có mối thù khuất nhục với Đông Hải. Thù này tưởng chừng chỉ có ngươi sống ta chết mới giải quyết được, nhưng thử nghĩ, ta giết ngươi, ngươi giết ta, bao người chết mới đủ, bao nhiêu lâu mới giải quyết xong. Mà xong thì những người đã chết kia có sống lại được không, nước đã mất kia có phục lại được không? Cùng buông thù hận, nhưng buông rồi không có nghĩa là vui vẻ cười huề với nhau như chưa xảy ra chuyện gì, lòng vẫn hậm hực chứ, nhưng mỗi người ai hãy tự dằn lòng mình thôi! Dễ gì mà khuyên bảo nhau khi ai cũng như ai.

Kết lại, mỗi một con người trong LN.BN đều rất phóng khoáng tự tại. Hành động họ có thể mâu thuẫn nhau, nhưng không thể khẳng định ta đúng ngươi sai. Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau, có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, không ai áp đặt ai theo mình được. Anh đúng, mà tôi cũng đúng.

Kết thúc đẹp cho mỗi người. Trong mắt độc giả, có thể đối với nhân vật này kết thúc thế là buồn, nhưng đó chính là cuộc sống mà chàng ta đã lựa chọn. Tất cả cuộc đời trong đây đều do nhân vật tự chọn, chẳng hề có sự can thiệp của tác giả, “À vì tôi viết thế nên anh phải thế!” Cho nên là vui hay buồn thì chỉ tùy họ thôi.

  1. Vài lời về tác giả Khuynh Linh Nguyệt

Tính đến nay, Lan Nhân Bích Nguyệt là tác phẩm đầu tiên và duy nhất của Khuynh Linh Nguyệt mà tôi đọc. Tôi không dám chắc, nhưng tôi vẫn luôn cho rằng tính cách một con người có thể được nhìn nhận qua câu chữ.

Đọc truyện, tôi có thể thấy cô cũng là một con người phóng khoáng như những nhân vật của cô vậy. Cô là người tự do, thích được trải nghiệm, đi xa, đi nhiều. Không thích sự bó buộc, cứng nhắc, cô hủ. Có lẽ còn là người hài hước. (???)

Cách nhìn nhận con người độc đáo, đa chiều, ai cũng có vẻ đẹp của mình, ai cũng có lý lẽ của mình. Mọi kết quả đều có nguyên nhân.


P/s: Một chút về Lan Thất. Trong suy nghĩ của tôi, Lan Thất như một đứa bé vậy. Một tiểu bá vương đáng yêu đến mức không ai không yêu nó, không ai không chiều nó, không ai nỡ từ chối bất cứ yêu câu gì của nó. Vì thế mà nó rất tự do, rất tùy hứng, thích gì làm nấy, mà còn mặc sức làm, chẳng sợ ai, chẳng để ý ai. Dù làm sai làm trái người khác cũng không nỡ đánh nỡ mắng. Quái thế chứ!

2 thoughts on “[Review] Lan Nhân Bích Nguyệt – Những Con Người Phóng Khoáng

Leave a comment